chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục
Chuyển đổi số giúp (1) nhà trường quản lý, vận hành hệ thống trơn tru; (2) thầy cô cải thiện năng suất dạy học; (3) người học dễ dàng tiếp cận với giáo viên giỏi ở mọi nơi và có lộ trình học tập cá nhân hoá hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, vẫn còn nhiều hạn chế và rào cản khi tiến hành chuyển đổi số trong mảng giáo dục tại Việt Nam.
Để hiểu thêm về những vấn đề trên, Brands Vietnam đã có buổi trao đổi sâu với ông Đỗ Văn Nhẫn, Giám đốc Chiến lược của ClassIn – một trong 50 Edtech tiêu biểu của thế giới, do GSV bình chọn năm 2020.
* Anh có thể khái quát các giai đoạn chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam?
Giai đoạn đầu tiên là số hoá học liệu. Trước đây, việc dạy và học chỉ xoay quanh sách giáo khoa, giấy trắng, bảng đen… Việc lưu trữ học bạ, bảng điểm cũng đều được thực hiện thủ công. Từ những năm 2010, sổ liên lạc điện tử bắt đầu được đưa vào sử dụng để cập nhật tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh một cách nhanh chóng.
Giai đoạn tiếp theo, ngành giáo dục ứng dụng kỹ thuật số mạnh hơn vào việc quản lý và vận hành. Cụ thể nhiều đơn vị giáo dục bắt đầu sử dụng nền tảng School Management System để sắp xếp lịch giảng dạy, lịch thi, quản lý inventory, cập nhật điểm cho Sở Giáo dục, thông báo học phí cho phụ huynh, phê duyệt đơn nghỉ phép cho giáo viên và học sinh…
Các đơn vị giáo dục tư thục, dạy nghề, đào tạo kỹ năng có tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng hơn hẳn so với hệ thống trường công.
Đến những năm gần đây, nhiều trường học bắt đầu số hoá việc giảng dạy, cụ thể nhất là việc dạy học trực tuyến trở nên phổ biến. Nền tảng quản lý học tập (Learning Management System) được đưa vào sử dụng để nhà trường xây dựng hệ thống tài liệu, bài học, bài giảng. Học sinh cũng có thể làm các bài tập trên LMS sau giờ học trực tiếp trên trường (Asynchronous Learning – phương pháp dạy học không đồng thời). Một số đơn vị như Viettel Study và VNEdu phát triển nhiều giải pháp để nhà trường đưa nội dung lên hệ thống phục vụ cho việc giảng dạy.
Đặc biệt, khi đại dịch xuất hiện khiến học sinh và giáo viên không thể đến trường, thì nền tảng LMS tích hợp thêm các công cụ học trực tuyến như Zoom, Microsoft Team, Skype để duy trì việc học trên online (Synchronous Learning – phương pháp dạy học đồng thời).
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là khu vực nào đang có tốc độ chuyển đổi số nhanh và mạnh mẽ nhất? Không có gì bất ngờ khi các đơn vị giáo dục tư thục, dạy nghề, đào tạo kỹ năng có tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng hơn hẳn so với hệ thống trường công. Lý do cũng dễ hiểu, vì các đơn vị tư nhân có mức độ cạnh tranh cao hơn, nên quyết định đầu tư nhanh và chuyển đổi linh động hơn các đơn vị công lập.
* Với việc chuyển đổi số trong giáo dục, người học và người dạy sẽ nhận được những lợi ích gì?
Tôi cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho hai mảng chính là dạy học và quản lý giáo dục.
Đầu tiên, chuyển đổi số sẽ làm được gì đối với việc dạy học?
Thứ nhất, học sinh có cơ hội học tập, tiếp xúc với đội ngũ giáo viên chất lượng hơn. Trước đây vì khoảng cách địa lý và tính chất học offline, nên học sinh khó đi ra khỏi khu vực sinh sống để tiếp cận với đội ngũ giáo viên giỏi. Nhưng khi đã lên trực tuyến, học sinh có thể “theo học” bất kỳ giáo viên nào tại Việt Nam hay trên thế giới.
Học sinh có cơ hội học tập, tiếp xúc với đội ngũ giáo viên chất lượng hơn
Nguồn: Envato
Thứ hai, chuyển đổi số giúp phân phối nguồn nhân lực giáo dục cân bằng hơn. Chẳng hạn, ở thành thị, tình trạng “thừa giáo viên” luôn xảy ra vì nhiều thầy cô ở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm. Trong khi tại nông thôn, số lượng giáo viên chất lượng lại thiếu vì nhiều yếu tố như cơ hội việc làm, thu nhập… Đặc biệt, ở những nơi có tính chất địa lý hiểm trở, các trường học cũng gặp khó khăn trong việc thu hút, khuyến khích giáo viên đến dạy học vì thiếu thốn cơ sở vật chất.
Thứ ba, chuyển đổi số giúp nhà trường, đơn vị giáo dục hiểu rõ người học hơn nhờ dữ liệu hành vi được lưu lại trên hệ thống. Chẳng hạn, mỗi khi học sinh làm bài tập hoặc giải một bài toán trên LMS, kết quả sẽ được trả về ngay lập tức. Giáo viên sẽ nhìn vào đó để đánh giá kết quả học tập của học sinh dễ dàng, nhanh chóng hơn. So với thời điểm chưa có LMS, chỉ đến các kỳ kiểm tra hay thi giữa kỳ, cuối kỳ thì giáo viên mới nắm được tình trạng học tập của toàn bộ học sinh.
Thứ tư, chuyển đổi số cũng giúp cải thiện năng suất giảng dạy của giáo viên. Trước đây, ngoài việc giảng dạy, giáo viên cũng phải kiêm thêm nhiều hoạt động khác như chấm điểm, nhập điểm, làm học bạ... Nhưng với LMS hiện đại, vì các tác vụ trên đã được tự động hoá, nên giáo viên có nhiều thời gian để thiết kế bài giảng chất lượng và theo sát học sinh hơn.
Với hoạt động quản lý và vận hành, chuyển đổi số giúp kết nối nhà trường và phụ huynh hiệu quả hơn.
Ngoài ra, chyển đổi số cũng giúp việc học của học sinh trở nên cá nhân hoá. Trên LMS, mỗi bạn sẽ có một lộ trình học tập riêng. Hệ thống này sẽ tự động đề xuất các dạng bài tập phù hợp với năng lực của từng người. Ví dụ, một học sinh làm bài chỉ được 5 điểm, thì LMS sẽ đề xuất dạng bài tiếp theo ở mức độ dễ, để bạn ấy củng cố lại kiến thức. Hay bạn nào làm tốt, sẽ được hệ thống đẩy lên học ở cấp độ cao hơn. Điều này giúp giáo viên theo dõi được lộ trình của từng bạn, trong khi với lớp học truyền thống, họ khó có thể làm được vì không đủ thời gian.
Tiếp theo, với hoạt động quản lý và vận hành, chuyển đổi số giúp kết nối nhà trường và phụ huynh hiệu quả hơn.
Đơn cử, với Zalo, nhà trường tổ chức họp lớp hay liên lạc với phụ huynh một cách tiện lợi. Xa hơn nữa, nhiều đơn vị giáo dục còn tích hợp các tính năng social networking vào nền tảng quản lý để phụ huynh có thể nắm được cụ thể những hoạt động của con em trên trường theo thời gian thực. Một số công cụ như Class Dojo hay Kids Online… được sử dụng khá phổ biến.
* Giảng dạy trực tuyến đang là giải pháp quan trọng trong bối cảnh COVID-19 rất phức tạp tại Việt Nam. Vậy những rào cản khi giảng dạy trực tuyến ở Việt Nam là gì thưa anh?
Rào cản thứ nhất đến từ cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ giữa các trường và đơn vị giáo dục. Cơ sở hạ tầng ở đây bao gồm thiết bị, băng thông Internet, nền tảng quản lý học tập. Nhiều học sinh ở nông thôn phải dùng nhờ điện thoại di động của bố mẹ để học với Internet chập chờn. Mặt khác, nhiều trường giao cho giáo viên tự tìm kiếm nền tảng để giảng dạy nên việc triển khai cũng chắp vá, nội dung và dữ liệu phân tán.
Rào cản thứ hai là nội dung số. Lấy ví dụ về việc giảng dạy trực tuyến ở thời điểm hiện tại, đa phần, nhà trường chỉ sử dụng các slide thuyết trình để giảng dạy trực tuyến, và cố gắng đẩy nội dung có sẵn từ lớp học trực tiếp lên trực tuyến mà thôi. Trong khi, môi trường học trực tuyến khác biệt nhiều so với học trực tiếp, từ cách tổ chức bài giảng, tương tác, cho đến mức độ hấp thụ kiến thức và sự tập trung của học sinh. Khi học trực tuyến, học sinh dễ bị xao nhãng và khó học hiệu quả trong thời gian dài nếu như thiếu hoạt động tương tác. Về ngắn hạn, cách này vẫn có thể chấp nhận được, nhưng về dài hạn, đây không phải là cách hay. Điều này cũng đến từ khả năng sản xuất nội dung số của ngành giáo dục hiện tại còn có hạn khi chưa có đơn vị nào đứng ra sản xuất, hay giáo viên cũng chưa biết triển khai sao cho hợp lý.
Việc giảng dạy trên môi trường số yêu cầu cách tiếp cận của giáo viên phải khác đi
Nguồn: Envato
Rào cản thứ ba là kỹ năng của giáo viên và học sinh. Bên cạnh yêu cầu về khả năng sử dụng các phần mềm thành thạo, việc giảng dạy trên môi trường số yêu cầu cách tiếp cận của giáo viên phải khác đi, mà những kỹ năng này không thể có được chỉ trong một vài buổi đào tạo. Do đó, nhà trường nên có chính sách đào tạo kỹ năng cho giáo viên liên tục và dài hạn. Ví dụ, nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục nên khuyến khích giáo viên đổi mới, thi đua sáng tạo bằng các chính sách trao thưởng, tuyên dương, buổi chia sẻ để tạo động lực cho họ nâng cao trình độ và cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến.
Nói thêm về mặt chính sách, có một điều khả quan là khi đại dịch diễn ra, góc nhìn của nhiều nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã cởi mở hơn. Đơn cử, Bộ Giáo dục ban hành dự thảo cho phép dạy trực tuyến tối đa 30% tổng khối lượng chương trình đào tạo, dần công nhận kết quả thi trực tuyến, hay việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học. Những thay đổi này chắc chắn sẽ mở đường cho việc chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra mạnh mẽ hơn.
* Lớp live-class là một phần quan trọng đối với cả người học lẫn người dạy. Vậy các đơn vị giáo dục nên tổ chức lớp này trên môi trường online như thế nào cho hiệu quả?
Để tổ chức lớp live-class trên môi trường online hiệu quả, các đơn vị giáo dục nên chú trọng đến hai yếu tố: thời lượng và tương tác.
Để tổ chức lớp live-class trên môi trường online hiệu quả, tôi nghĩ các đơn vị giáo dục nên chú trọng đến hai yếu tố: thời lượng và tương tác.
Đầu tiên, thời lượng các lớp học live-class trực tuyến nên được rút ngắn so với lớp học trực tiếp và nội dung giảng dạy cũng nên cô đọng, súc tích hơn, vì khả năng tập trung của người học trên trực tuyến có hạn. Để tiết kiệm thời gian, giáo viên có thể tự biên soạn những nội dung nào có thể tự xem được ở nhà cho học sinh, còn nội dung nào cần hỏi và tương tác nhiều thì vẫn giữ trên lớp live-class.
Tiếp theo là tương tác giữa người học và người dạy. Trong lớp live-class, lợi ích nhiều nhất là cơ hội được hỏi, trả lời và thảo luận, nên giáo viên cần tạo cho học sinh cảm giác được tham gia vào toàn bộ hoạt động của lớp học thì sẽ thú vị hơn nhiều. Vì khi chỉ xem video, nghe giảng thụ động, học sinh sẽ quên đến 80% lượng kiến thức, nhưng nếu được tương tác, nghiền ngẫm thì họ sẽ nhớ lâu hơn. Giáo viên có thể tận dụng các tính năng của phần mềm dạy học trực tuyến như chia nhóm thảo luận, làm bài tập, tổ chức trò chơi, cuộc thi nhỏ.... để khuyến khích học sinh chủ động tương tác với nhau. Sau đó, họ có thể theo dõi mức độ tương tác của học sinh trên trực tuyến rồi điều chỉnh tốc độ triển khai bài giảng sao cho phù hợp.
* Vậy ClassIn đang cung cấp dịch vụ cho đối tượng trường học nào? Và Classin có thể mang lại lợi ích gì cho việc chuyển đổi số ngành giáo dục tại Việt Nam?
Hiện tại, phân khúc khách hàng chủ yếu của ClassIn là các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh từ 9 đến 22 tuổi, bao gồm các trường phổ thông và đại học, các trung tâm đào tạo sau giờ học (ngoại ngữ và kỹ năng). Chúng tôi tập trung vào nhóm học sinh này vì là họ ở độ tuổi cần nhiều hoạt động tương tác tại lớp học. Trong khi các giải pháp của ClassIn đều được thiết kế để mang trải nghiệm lớp học offline lên online một cách hiệu quả cho người dạy và người học. Theo đó, ClassIn tích hợp hơn 30 công cụ giảng dạy khác nhau (phát bài tập, bài kiểm tra, chia nhóm, trắc nghiệm nhanh, tặng cup) , cùng với việc thu thập hơn 44 loại dữ liệu học tập góp phần giúp việc giảng dạy online thú vị và giàu tương tác hơn.
ClassIn là các đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục cho học sinh từ 9 đến 22 tuổi
Nguồn: ClassIn
Còn nói riêng về chuyển đổi số cho ngành giáo dục tại Việt Nam, chúng tôi muốn “Empower Education Online”, nghĩa là giúp cho trải nghiệm dạy và học online trở nên hiệu quả hơn. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc với đơn vị xuất bản để sản xuất ra nhiều nội dung số bổ ích hơn cho giáo viên khi giảng dạy trực tuyến. Vì nếu như đặt hết trách nhiệm xây dựng nội dung số cho giáo viên thì thực sự rất vất vả và tốn nhiều thời gian. Theo đó, họ có thể lên market place để lựa chọn tài liệu giảng dạy phù hợp. Còn về phía nhà trường, ClassIn cũng thường xuyên hỗ trợ việc nâng cấp tính năng của phần mềm LMS, cách cập nhật nội dung số lên nền tảng và đào tạo cho quản lý, giáo viên về việc sử dụng hệ thống.
* Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Hạnh Bạch / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam