Dạy trực tuyến với lớp học... “trên mây”
Dạy trực tuyến với lớp học... “trên mây”
(GDVN) - Bài giảng, bài học đều đưa hết lên “Mây”, người học theo đường Link dẫn vào làm bài tập. Bản chất vấn đề là công nghệ điện toán đám mây và Microsoft tạo ra.
Giải pháp tổng thể "Lớp học trên mây, lớp học kết nối" của thầy Phạm Ngọc Đức là một trong ba giải đặc biệt được Microsoft trao tặng về sáng tạo trong giáo dục, đây là bài giảng điện tử tương tác thiết kế trên nền Sway và các công cụ của Office 365 có tích hợp một số ứng dụng như Wakelet, Padlet, Flipgrid, Weebly… giúp học sinh kết nối đồng bộ tới hoạt động của lớp học 24/7.
Giải pháp tổng thể "Lớp học trên mây, lớp học kết nối" của thầy Phạm Ngọc Đức là một trong ba giải đặc biệt được Microsoft trao tặng về sáng tạo trong giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Phạm Ngọc Đức - Chuyên viên của Trung tâm Tiến tiến bồi dưỡng lãnh đạo quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Đức chia sẻ: “Từ trước đến nay khi mọi người tiếp cận với Microsoft thì đều nghĩ rằng chỉ đơn giản là Word, Excel…
Nhưng mọi người lại quên mất là Microsoft đi theo hướng phát triển sinh thái, mà hệ sinh thái thì cũng giống như trong giáo dục của chúng ta với các hoạt động từ dạy và học, hoạt động của cộng đồng, hoạt động trong và ngoài trường, hoạt động đánh giá…nó giúp kết nối tất cả những vấn đề này.
Thay vì việc giảng viên dùng PowerPoint để giảng bài mà khi học sinh xin bài giảng đó thì giáo viên không cho, cũng dễ hiểu vì giáo viên mất rất nhiều công sức vào bài giảng đó, nhưng bây giờ không cần giáo viên phải soạn nữa, chính người học là người sẽ đóng góp tri thức vào bài giảng.
Vậy nên ý tưởng của tôi chính là tạo ra một giải pháp tổng thể, có nơi để học sinh, cộng đồng xã hội đóng góp tri thức, giáo viên chỉ là người soạn bài, điều phối mời đóng góp vì bản thân giáo viên cũng có nghĩ ra được đâu, tri thức là từ nhiều nguồn.
Học sinh đâu có gặp được giáo viên ngoài giờ vì tất cả đều bận, vậy phải có công cụ để giải quyết việc đó, và đó là các công cụ giúp cho các lớp học “trên mây” trao đổi kiến thức.
Tôi mất khá nhiều thời gian từ lúc thực hiện ý tưởng cho đến khi giải pháp này được chỉnh sửa hoàn thiện, cứ làm và thử rồi lại làm và chỉnh sửa, cho sinh viên, học sinh, giảng viên…mọi người dùng thử rồi mới tìm ra được các quy trình để số hóa được bài giảng thì phải thế nào, các bước ra làm sao, sau đó xem người dùng thích cái gì, cái gì dễ dùng và ngược lại, gần 6 tháng sau tôi mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh này”.
Giải pháp tổng thể này có thể áp dụng cho các cấp học một cách dễ dàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Thầy Đức cho biết: “Cuộc thi mà tôi tham gia có tên là Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, nhưng sản phẩm của tôi nó không phải là dự án mà nó là giải pháp tổng thể, hiện nay việc học không khoảng cách rất phổ biến và cụ thể là học trực tuyến, người học có thể ngồi ở bất cứ nước nào trên thế giới nhưng vẫn kết nối được với nhau qua lớp học sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Việc kết nối này giúp học sinh và giáo viên trên toàn thế giới được giao lưu, trải nghiệm một cách dễ dàng thông qua nền tảng trực tuyến, nhưng do sĩ số lớp học thường rất đông, vậy nên trong một giờ học 45 phút đồng hồ mặc dù là học trực tuyến nhưng thực chất là chỉ vài học sinh có cơ hội được phát biểu ý kiến, nếu 40 học sinh mà mỗi em tham gia nói 5 phút thì cả lớp mất 200 phút, điều đó là không thể vì sẽ quá số giờ tiết học.
Từ đó dẫn đến một hình thức gọi là hoạt động trước, trong và sau dạy học. Hoạt động trong thì mình đã làm tốt rồi, còn đang thiếu hoạt động trước dạy học và cũng là môi trường để học sinh làm quen với giáo viên, kết nối làm các bài tập nhỏ, tìm hiểu kiến thức bài sắp học, không phải đến lớp mà vẫn làm được, đó là ưu điểm của hoạt động này.
Có nghĩa bài giảng bây giờ không như trước là giáo viên cứ phải hì hục soạn trên PowerPoint, nhưng bây giờ thì giáo viên chỉ đưa ra cái khung thôi và tất cả học viên sẽ vào để xem trước, thảo luận, tham gia các nhóm.
Tất cả các đóng góp của người học sẽ được lưu vết ở bài giảng tại khung của giáo viên đưa ra ban đầu, khi giáo viên dạy học thì nhìn vào những vết đó thì biết học sinh đang quan tâm đến vấn đề gì và các em chia thành từng nhóm nào.
Đến giờ học trực tuyến thì giáo viên đúc kết lại những ý kiến của học sinh đã thảo luận, và mời một số em có ý kiến nổi bật đại diện cho các nhóm lên đóng góp ý kiến hoặc chữa bài.
Khi người học trong lớp đều được tham gia đóng góp kiến thức dù là nhỏ nhất, thì thái độ hứng thú với giờ học sẽ tốt hơn nhiều so với việc là giáo viên mang một bài giảng đến lớp và giảng, có học sinh mạnh dạn giơ tay, và có khi còn không đến lượt vì giới hạn thời gian, trong khi chúng ta vẫn nói là lấy người học làm trung tâm thì điều này vẫn chưa làm được nếu dạy theo cách thông thường”.
Giải pháp tổng thể là nơi để học sinh, cộng đồng xã hội đóng góp tri thức. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ưu điểm của giải pháp
Cũng theo thầy Đức: “Vậy nên giải pháp này khi triển khai cho học sinh, sinh viên các trường thì tôi thấy rất hiệu quả, nó gọi là giải pháp đảo ngược lớp học và chuyển một phần tư liệu cho học sinh làm trước, điều này rất hay là toàn bộ mọi hoạt động đều diễn ra trên Internet hay còn gọi là “lớp học trên mây” .
Giáo viên không phải cài đặt, không cần tài khoản, không phải đăng nhập vì tất cả diễn ra trên công nghệ điện toán đám mây, giáo viên chỉ gửi cho học sinh một đường Link dẫn là tất cả đều có thể vào học.
Mọi bài giảng, bài học đều đưa hết lên “Mây”, người học không cần phải tải cái gì mà chỉ theo đường Link dẫn vào làm bài tập và có điểm luôn, bản chất vấn đề nó là công nghệ điện toán đám mây và Microsoft cho phép làm điều đó, nó tích hợp từ bài giảng, kiểm tra đánh giá, danh sách người học, phân chia nhóm học…
Tất cả diễn ra trong một bài giảng và lớp học đó không quá phức tạp, nó diễn ra như người ta vào đọc một trang báo điện tử, có bao nhiêu tin bài trên trang báo đó đều được bày ra và người đọc chỉ việc bấm con trỏ vào.
Còn nếu yêu cầu học sinh vào trang này, đăng nhập vào đây, Pass như này… thì mới làm được bài kiểm tra, sau đó lại vào trang này để nhập kết quả tải lên, như vậy sẽ rất phức tạp cho người học. Phương pháp này có thể áp dụng được cho các cấp học, nhưng vì các em phải tương tác trên máy tính nên có thể không tiện cho lắm đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Hiện nay tôi đang triển khai rộng hình thức học này và áp dụng cho cả các giảng viên tập huấn, thay vì việc các giảng viên cứ ngồi tập trung một chỗ và nghe mình nói, thì tôi yêu cầu họ trình bày viết rất ngắn gọn về bài giảng trực tuyến sắp tới với yêu cầu mục tiêu là gì, dùng kỹ thuật gì…
Chỉ cần họ viết thế thôi và nộp lên bài giảng điện tử, việc nộp lên cũng rất đơn giản vì bảng tính Excel cho phép làm trực tuyến, nó cũng giống như Google là người này đã nhập dữ liệu vào dòng này thì người khác sẽ nhập vào dòng khác, tất cả đều nhập vào bảng tính đó nhưng là làm trên “Mây”.
Điểm rất hay ở chỗ là tất cả trên “Mây” và làm nhanh như vậy nên khi giáo viên nhập dữ liệu vào có thể dùng điện thoại thông minh là làm được dễ dàng. Vào thẳng bảng tính và sửa trực tuyến, bản Excel cứ kéo dài vào trong một màn hình nên mọi người đều nhìn được ý tưởng của nhau.
Có thể nói giải pháp tổng thể này dùng tốt cho giảng viên, giáo viên, doanh nghiệp, sinh viên, học sinh các cấp học rất tốt, nhất là cho việc học trực tuyến như thời điểm hiện nay học sinh đang phải nghỉ học ở nhà”.
Giáo viên làm được điều này thì có nghĩa là tận dụng được các công cụ của Microsoft miễn phí, không mất tiền mua và rất đơn giản qua các bước số hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Phương cách triển khai lớp học “Trên mây”
“Đầu tiên giáo viên sẽ dùng công cụ của Microsoft để đưa bài giảng vào, đưa phần thảo luận nhóm vào, phần giới thiệu giảng viên, phần góp ý của doanh nghiệp…nó gồm 6 bước số hóa cơ bản như vậy.
Các em học sinh trong trường hoặc trong lớp và các giáo viên thường có kết nối với nhau qua mạng xã hội, qua địa chỉ thư điện tử, hoặc sổ liên lạc điện tử…
Dựa vào mạng xã hội đó giáo viên gửi đường Link và các em cứ theo đường Link đó mà vào lớp học, ngoài ra không yêu cầu đăng nhập bất cứ một cái gì, cứ ai có đường Link đó là đều có thể vào tương tác.
Giải pháp tổng thể này đã thoát ra khỏi dự án thông thường, rất nhiều năm chúng ta đã khai thác dự án rồi, và cứ nói đến dạy học bằng công nghệ thông tin là mọi người nghĩ đến dự án, nhưng thực ra không phải như vậy.
7 bí kíp sử dụng phần mềm miễn phí tổ chức dạy - học hiệu quả trong mùa dịch |
Có thể chỉ cần một bài giảng đổi mới phương pháp dạy là nó đã có thể trở thành một giải pháp hay rồi, hoặc cách dùng PowerPoint một cách sáng tạo thì nó cũng là ứng dụng công nghệ thông tin rồi, chứ không phải nhất thiết nghĩ đến công nghệ là dạy học dự án. Đó là điểm khác biệt đầu tiên.
Điểm khác biệt thứ 2 là mọi người hiểu hơn về các hoạt động dạy học bây giờ có thể diễn ra trước giờ vào lớp, đặc biệt là sinh viên vì các em cần tăng cường tính tự học.
Nhưng để tăng cường tự học thì cần phải có nơi cho sinh viên học, chứ cứ nói các em phải tự học mà không hề có hướng dẫn thì tự học làm sao được.
Vậy nên giáo viên tạo cho sinh viên, học sinh một nơi để các em vào trao đổi ý kiến trước, cập nhật kiến thức mới về vấn đề sắp học, có thể gọi là hình thức lớp học đảo ngược.
Có một điều lợi nữa là giáo viên có nơi để xem là học sinh cần tìm hiểu về vấn đề gì nhất, có vấn đề này giáo viên nghĩ các em chưa hiểu nhưng thông qua các thảo luận trước thì hóa ra các em lại hiểu rất sâu, và có những vấn đề các em rất quan tâm nhưng giáo viên lại không biết để giảng. Qua đó giáo viên có thể điều chỉnh lại bài học trên lớp cho phù hợp với thực tế để bài giảng hiệu quả hơn.
Giáo viên làm được điều này thì có nghĩa là tận dụng được các công cụ của Microsoft miễn phí, không mất tiền mua và rất đơn giản qua các bước số hóa nêu trên”, thầy Đức nhấn mạnh.
Tùng Dương
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-truc-tuyen-voi-lop-hoc-tren-may-post207812.gd