Giỏ hàng

×

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Tổng 0  ₫

Xem giỏ hàngThanh toán

Làm thế nào để thiết kế bài giảng cho khóa học trực tuyến?

Posted on Tin tức, Ưu đãi từ mathenlisa 918 lượt xem

Làm thế nào để thiết kế bài giảng cho khóa học trực tuyến?

Làm thế nào để thiết kế bài giảng cho khóa học trực tuyến?

1.  Bài giảng trực tuyến là gì?

Bài giảng trực tuyến là bài giảng của giáo viên hướng dẫn học tập cho người học/học sinh được soạn thảo trên nền web. Bài giảng trực tuyến là sản phẩm được tạo ra từ các công cụ tạo bài giảng (authoring tools), có khả năng tích hợp đa phương tiện (multimedia) gồm phim (video), hình ảnh, đồ họa, hoạt hình, âm thanh,... và tuân thủ một trong các chuẩn (Ví dụ: Chuẩn SCORM).

Bài giảng trực tuyến khác hoàn toàn với các khái niệm giáo án điện tử, bài trình chiếu hoặc bài giảng điện tử (powerpoint). Nếu soạn bài giảng bằng PowerPoint thì người giảng phải trực tiếp sử dụng nó, còn bài giảng trực tuyến là một bài giảng hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động học tập của người học với sự hỗ trợ không trực tiếp của giáo viên/người hướng dẫn. Do đó, để soạn 1 bài giảng trực tuyến phải dự kiến các tình huống xảy ra khi người học tác động vào bài giảng để có phương án xử lý thích hợp. 

2. Các yêu cầu thiết kế bài giảng cho học trực tuyến

Ngoài việc vận dụng bảng phân loại Bloom [1] về các cấp độ nhận thức (mục tiêu học tập) gồm 6 cấp độ: Nhớ, Hiểu, Vận dụng, Phân tích Tổng hợp và Đánh giá, thiết kế bài giảng trực tuyến cần vận dụng linh hoạt lí thuyết về “Điều kiện học tập”” của Gagné [2] với 9 sự kiện giảng dạy và quá trình nhận thức tương ứng với mức độ từ thấp đến cao như sau: 

1) Lôi cuốn và đạt được sự chú ý của người học

2) Thông báo cho người học về mục tiêu, nhiệm vụ học tập

3) Kích thích phản hồi trước khi học 

4) Trình bày các kích thích (chọn lọc nhận thức) 

5) Hướng dẫn học tập

6) Gợi ý trả lời 

7) Cung cấp thông tin phản hồi (cốt lõi) 

8) Đánh giá kết quả học tập

9) Tăng cường lưu giữ và chuyển giao. 

 

Ảnh minh hoạ/internet

3. Yêu cầu về thiết kế bài giảng trực tuyến và  cấu trúc kịch bản sư phạm bài giảng trực tuyến [3]

Người thiết kế bài giảng trực tuyến phải đưa ra được: (i) Ý tưởng về bài giảng: Học cái gì?; (ii) Công nghệ phù hợp: học như thế nào, tiến trình học tập là gì? (iii) Đánh giá: Làm thế nào để biết người học tiến bộ và đạt mục tiêu học tập?

Bài giảng trực tuyến phải có cấu trúc tương ứng với các giai đoạn học tập: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn học tập và khuyến khích thực hành và giai đoạn phản hồi/đánh giá. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:

Giai đoạn 1. Chuẩn bị

Trong giai đoạn này cần thực hiện 3 nhiệm vụ: Thu hút sự chú ý, Nêu ra mục tiêu của bài học và Khuyến khích nhớ lại/tái hiện bài cũ/kiến thức học gần đây.

Thu hút sự chú ý:  Cần sử dụng nhiều phương tiện truyền thông có thể có hiệu quả, nhưng nên thận trọng vì người học có thể trở nên nhàm chán hoặc lo sợ; Chú trọng liên kết những vấn đề trong hướng dẫn tới thế giới thực  và tạo các cơ hội tốt cho các hoạt động tương tác.

Nêu ra mục tiêu của bài học :  Diễn tả các mục tiêu rõ ràng nhất đến mức có thể, vì đặc trưng của giải pháphọc trực tuyến là tự quản lý. Mục tiêu phải diễn đạt được học viên nên đạt những kỹ năng/năng lực cơ bản và điều kiện để đạt mục tiêu đề ra (điều kiện, kỹ năng máy tính,…).

Khuyến khích nhớ lại/tái hiện:  Chỉ ra những nội dung cần được ôn tập cho người học;  cần tiếp tục kế thừacác bài học  trước.

Giai đoạn 2. Hướng dẫn học tập và thực hành

Giai đoạn này cần phải: Sử dụng phương tiện truyền thông theo cách thực sự có ý nghĩa; Hướng dẫn học tậpvà Khuyến khích thực hành.

Sử dụng phương tiện truyền thông theo cách thực sự có ý nghĩa: Không bắt buộc học viên đọc các tài liệu mà họ đã hiểu /được học ở mô đun trước;  Đưa ra những hướng dẫn có thể dự đoán được và cho phép người học tiếp tục kiểm soát quá trình học tập của họ.

Hướng dẫn học tập: Nên sẵn có 1 người hướng dẫn học tập (qua email, chat,…) ; hướng dẫn cần  rõ ràng, hỗ trợ hiệu quả cho học tập.

Khuyến khích thực hành: Hầu hết hệ thống truyền tải của học trực tuyến đều là các dạng câu hỏi dựa trên máy tính (lựa chọn nhiều phương án,mô phỏng). Hướng thực hành trên máy tính gắn liền với những yêu cầu đối với người học trong công việc thực tế.

Giai đoạn 3. Phản hồi, đánh giá

Giai đoạn này cần đưa ra Câu hỏi hướng dẫn; Đánh giá thực hành và Nâng cao khả năng ghi nhớ của người học.

Câu hỏi hướng dẫn: Dự đoán các câu trả lời không chính xác; Nêu cụ thể tất cả các phản hồi của người hướng dẫn (Không chỉ đơn giản là: “làm rất tốt” hoặc “làm lại” ); Tránh làm giảm tập trung của người học bằng những phần thưởng điện tử, điều này sẽ làm chậm tốc độ học tập.

Đánh giá thực hành:  Do máy tính là công cụ đánh giá nên các câu hỏi phải được thiết kế rõ ràng để không có sự nhầm lẫn khi  trả lời;  có các  gợi ý “bước tiếp theo” dựa trên kết quả  và chắc chắn rằng người học biết chính xác mong đợi của mình là gì.

Nâng cao khả năng ghi nhớ: Nhấn mạnh “công việc thực tế” của người học rất quan trọng trong thiết kế nội dung; Thông báo với người học về người/địa chỉ liên hệ để họ có thể tìm kiếm thêm thông tin hoặc giúp đỡ.

Các yêu cầu về câu hỏi, phản hồi, đánh giá

Yêu cầu về câu hỏi: 

-   Rõ ràng 

-   Chọn được câu trả lời đúng nhất

-   Kết hợp cùng với mục tiêu 

-   Kiểm tra ý chính 

-   Ngắn gọn nhất đến mức có thể 

-   Câu hỏi khác với những câu hỏi trong bài giảng trực tiếp

-   Đưa ra những kỹ năng liên quan đến bài tập 

-   Sử dụng những lựa chọn đáng tin cậy

Yêu cầu về phản hồi của người hướng dẫn

-   Phân tích các câu trả lời và trả lời lại những phản hồi cụ thể

-    Luôn luôn trả lời câu hỏi “tại sao câu trả lời đúng hoặc không đúng?”

-    Luôn luôn chú ý tới kiểm tra lại cả quá trình

-   Luôn luôn thông báo với học viên đã đạt được mục đích nào và cái nào chưa đạt được 

-    Đưa ra lựa chọn, dù có hay không học viên nào đạt mục tiêu đề ra.

4. Học liệu điện tử cho bài giảng trực tuyến

Dựa trên kịch bản sư phạm xây dựng học liệu đáp ứng được các hoạt động dạy học, hình dung ra từng loại tư liệu cho mỗi hoạt động.  Học liệu điện tử là “tập hợp các phương tiện điện tử phục vụ dạy và học, bao gồm: sách giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm ảo...”[4].

PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền

Trưởng bộ phận chuyên môn, Chương trình ETEP

 

 

Tài liệu tham khảo

1) Bloom, B. S., Englehart, M. D., Furst, E. J., Hill, W. H., & Krathwohl, D. R. (1956). The Taxonomy of educational objectives, handbook I: The Cognitive domain. New York: David McKay Co., Inc.)

2) Gagne, R. (1985). The Conditions of Learning (4th Ed.). New York: Holt, Rinehart & Winston)

3) Đặng Thị Thanh Huyền (chủ nhiệm),2010, Xây dựng tài liệu bồi dưỡng Hiệu trưởng trường phổ thông theo chuẩn E-Learning, Đề tài KH-CN cấp Bộ, Mã số B2009 – 29 – 42

4) Bộ GDĐT, Thông tư 12/2016/TT-BGDĐT Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, Khoản 2 Điều 2.

                       Nguồn: https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1320


Bình luận