Trường học bắt tay ngay vào “chuyển đổi số trong giáo dục”
Trường học bắt tay ngay vào “chuyển đổi số trong giáo dục”
Yêu cầu này được ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục”, do Sở GD-ĐT tổ chức chiều 18-12.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Hiện nay, chuyển đổi số được trung ương đến địa phương nói đến rất nhiều. Ngành giáo dục đã có sự chuyển đổi nhưng chưa đạt được các yêu cầu như mong đợi, trong khi các trường học đang hưởng lợi không ít thành quả từ sự nỗ lực nghiên cứu, phát triển công nghệ của các doanh nghiệp, đơn vị công nghệ . Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu mỗi cán bộ quản lý trường học cần bắt tay ngay vào xây dựng nền tảng số hóa tại đơn vị của mình.
“Hiệu trưởng là người quyết định về việc đơn vị mình thực hiện ra sao. Khi mong đợi công nghệ phát triển đến mức nào thì nhà trường phải sử dụng công nghệ ở mức đó. Sự thay đổi từ các nhà quản lý mới giúp giáo dục phát triển. Chúng ta không được phép cản trở sự phát triển”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, đề án thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức được kỳ vọng là TP có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua. Đây là cải cách mới trong tổ chức chính quyền đô thị, dựa trên nền tảng TP thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao khu vực phía Đông TP. Theo đó, GD-ĐT góp sức rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có trách nhiệm của các nhà quản lý nhằm đáp ứng việc chuyển đổi, phát triển TP.Thủ Đức cũng như TP.HCM trong tương lai.
Vấn đề hiện nay có thể một số cán bộ quản lý trường học chưa biết bắt đầu số hóa từ đâu mặc dù thấy được những thuận lợi và các giá trị. Tuy nhiên, nếu mỗi cán bộ quản lý có tâm, có định hướng mở, chịu lắng nghe thì có thể chọn được giải pháp để ứng dụng. Dựa trên những điều kiện phù hợp, nhà trường có thể hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị công nghệ có giải pháp hay, phù hợp để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học theo định hướng của Sở GD-ĐT. Nền tảng của số hóa giáo dục phải bắt đầu từ học sinh, giáo viên; từ dữ liệu dạy học cho đến phần mềm dùng chung.
Nhấn mạnh đến phần mềm dùng chung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Chia sẻ các dữ liệu dạy học có ý nghĩa rất lớn. Các trường học trước đây thiếu tư liệu dạy học thì đây là cơ hội để có được những giáo trình hay, tài liệu tốt một cách nhanh nhất. Việc chia sẻ các bài giảng hay sẽ mang đến cơ hội cho học sinh toàn TP, thậm chí cả nước được thụ hưởng những tinh hoa giáo dục từ chính các giáo viên làm ra”.
Theo ban tổ chức, hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục” diễn ra nhằm giới thiệu các giải pháp hỗ trợ quản trị, dạy, học và đánh giá trực tuyến. Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Sở GD-ĐT và Trung tâm Dữ liệu Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU.DC). Đây là cơ hội để hai bên hợp tác với mục đích cốt là triển khai phương thức ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Theo đó, Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT) sẽ xây dựng ban cố vấn chuyên môn nội dung; tổ chức các lớp tập huấn để sử dụng hệ thống, thiết kế bài giảng E-learning; tổ chức các hoạt động đi kèm liên quan đến E-learning. Còn VNU.DC sẽ cung cấp hạ tầng căn bản cho hệ thống, xây dựng đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật; triển khai hệ thống xuống các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên.
N.Trinh
(Dẫn nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/truong-hoc-bat-tay-ngay-vao-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-2020-2020.htm)
Để liên hệ tập huấn chuyển đổi số cho giáo viên và nhà trường xin xem chương trình chi tiết trong link dưới đây