Ứng dụng Công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo
Ứng dụng Công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo
(BTV) Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt trong thời gian đảm bảo phòng chống dịch, khi học sinh tạm dừng đến trường, không dừng học. Dạy, học trực tuyến cho thấy, năng lực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy, học online đã trở thành một trong những hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò. Qua đó, tạo nền tảng góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT.
Những hình ảnh này đã trở lên quen thuộc trong năm học vừa qua, khi Bắc Ninh vừa phải duy trì việc học, vừa phòng chống dịch.
Chỉ với chiếc máy tính xách tay có kết nối Internet, được cài đặt phần mềm Zoom trực tuyến, cô trò đã có thể thao tác việc dạy và học.
Qua những ngày đầu bỡ ngỡ, việc ứng dụng CNTT, dạy, học qua Internet đã không còn là vấn đề quá khó khăn đối với cô - trò các nhà trường trong việc bắt nhịp với nội dung bài học.
Dạy học trực tuyến, giao bài tập về nhà cho học sinh qua mạng xã hội, zalo, facebook…đã và đang là giải pháp được ngành GD&ĐT triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả khá tích cực; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngay cả những địa bàn khó khăn của tỉnh như huyện Gia Bình, Lương Tài; việc triển khai các hình thức dạy, học qua Internet; ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp cũng được triển khai thực hiện khá hiệu quả.
Hiệu quả việc ứng dụng CNTT còn được thể hiện rõ nét trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên môn về GD&ĐT. Toàn ngành đã chủ động thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, dạy trên truyền hình. Đồng thời sử dụng hiệu quả các phần mềm về GD&ĐT; tổ chức các cuộc họp trực tuyến, triển khai, hướng dẫn kịp thời các văn bản chỉ đạo của ngành tới các cơ sở giáo dục, trường học liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác thi, quản lý tài chính, nhân sự; tập huấn trực tuyến chương trình giáo dục phổ thông mới; chương trình thay sách lớp 2, lớp 6; góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học. Đến nay, 100% các trường, từ Tiểu học, THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục.
Theo kế hoạch, những ngày đầu tiên của năm học 2021-2022, hoạt động dạy và học tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tuyến. Rõ ràng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ tạo áp lực cho hoạt động GD&ĐT, mà còn tạo động lực, cơ hội để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến phù hợp. Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia của tỉnh.
H Tâm- L Khải