Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời VnExpress về việc chuẩn bị cho năm học mới trong bối cảnh đại dịch, học sinh phải học trực tuyến.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời VnExpress về việc chuẩn bị cho năm học mới trong bối cảnh đại dịch, học sinh phải học trực tuyến.
- Đầu tháng 9, học sinh cả nước bắt đầu năm học mới, điều gì khiến Bộ trưởng lo lắng nhất lúc này?
- Trong bối cảnh số ca Covid-19 đã vượt 450.000, ở 62 tỉnh thành, tôi lo nhất là làm sao làm tốt hai việc - theo đuổi mục tiêu chất lượng và đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Hai năm qua, việc dạy và học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép.
Thời gian đầu, dạy học trực tuyến chủ yếu chỉ là giải pháp tình thế khi học sinh phải tạm dừng đến trường. Đến nay, ngành xác định đó là việc lâu dài, vừa để thích ứng, vừa để triển khai chuyển đổi số. Trường hợp học sinh có thể tới trường học trực tiếp, việc dạy và học trực tuyến vẫn là phương pháp hỗ trợ, bổ sung rất tốt.
- Học trực tuyến trở thành giải pháp lâu dài, nhưng hiện cả phụ huynh và các nhà trường đều đánh giá hiệu quả thấp. Bộ đã có giải pháp gì để cải thiện?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến để địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, trong đó chú trọng khâu hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Bộ sẽ tăng cường kho học liệu số, bài giảng trên truyền hình và hoạt động hỗ trợ khác.
Chúng tôi cũng lưu ý các địa phương trong quá trình dạy học trực tuyến cần nhanh chóng giải quyết vấn đề phát sinh, kết hợp hiệu quả giữa dạy học trực tuyến và trên truyền hình. Sự quan tâm, phối hợp của gia đình trong quá trình dạy học có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với cấp mầm non và tiểu học. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ học sinh và gia đình khó khăn, tổ chức nhóm học tập an toàn, chia sẻ phương tiện.
Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương cần tận dụng tối đa "thời gian vàng" khi dịch được kiểm soát để dạy học trực tiếp. Bộ đã yêu cầu địa phương linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học. Kiến thức và kỹ năng cốt lõi mà người học cần đạt phải được dạy trong thời gian học sinh học trực tiếp.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: MOET.
- Năm học vừa qua, việc tổ chức dạy sách giáo khoa lớp 1 mới gặp nhiều khó khăn. Năm học này sách lớp 2 và 6 mới sẽ được đưa vào giảng dạy, ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị cho việc này?
- Quá trình triển khai chương trình và sách giáo khoa mới với lớp 1 đúng là gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự kiên định, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ nhà giáo, kết quả đạt được rất khả quan. Chúng ta đã có những học sinh lớp 1 mạnh dạnh hơn, đọc thông viết thạo, thích đến trường. Phụ huynh từ băn khoăn ban đầu đã yên tâm và tin tưởng. Giáo viên sau những bỡ ngỡ ban đầu đã nhập cuộc và làm chủ sự đổi mới. Đó là biểu thị rất sinh động, khẳng định sự đổi mới đang đi đúng hướng.
Năm nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chắc chắn việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới với lớp 2 và 6 sẽ gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt trong việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tới đây, Bộ sẽ có kế hoạch và tham mưu để tháo gỡ. Tuy nhiên, sự chủ động và phối hợp của địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, tôi mong các địa phương đã dành sự quan tâm ưu tiên, dồn nhiều nguồn lực cho những năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ quan tâm hơn nữa cho lần đổi mới quan trọng này.
Trước thực tế nhiều địa phương thiếu giáo viên để triển khai chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm việc với hệ thống trường đại học sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển ngành đào tạo thuộc nhóm sư phạm để từng bước giải quyết vấn đề, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.
- Khâu biên soạn và thẩm định sách giáo khoa mới sẽ thay đổi theo hướng nào để tránh những sai sót?
- Thực tế triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thời gian qua cho thấy chất lượng bản thảo là khâu then chốt, nếu không có bản thảo tốt sẽ không có sản phẩm sau thẩm định tốt. Sắp tới, ngành giáo dục sẽ tăng cường thu hút nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng bản thảo. Các công tác như thực nghiệm, thẩm định, tập huấn, lựa chọn, phát hành cũng phải được làm tốt hơn, trong đó việc chọn sách giáo khoa phải căn cứ vào tiếng nói chuyên môn của giáo viên và trường học.
- Bộ trưởng muốn nhắn gửi gì tới thầy cô giáo và học sinh, sinh viên nhân dịp năm học mới?
- Năm học 2021-2022 bắt đầu trong muôn vàn khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng rất nặng nề ở nhiều địa phương. Cho tôi được gửi lời chia buồn tới những gia đình có người thân đã bị dịch bệnh cướp đi sinh mệnh. Xin gửi lời thăm hỏi, chia sẻ tới đồng bào ở các vùng chịu ảnh hưởng nặng của dịch, tới thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.
Trước mắt chúng ta sẽ là một năm học đầy thử thách. Toàn ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và các yêu cầu chất lượng cốt lõi; hỗ trợ học sinh và sinh viên khó khăn, tất cả chung sức đồng lòng vượt qua thử thách.
Mỗi thầy cô giáo thời gian qua đã rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Tôi mong rằng thầy cô sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm này, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu chất lượng.
Tôi mong học sinh và phụ huynh bằng những cách khác nhau khắc phục khó khăn để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập. Quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui học tập và rèn luyện trong bối cảnh mới.