E-learning được hiểu là một thuật ngữ mô tả hoạt động học tập, giảng dạy và đào tạo thông qua nền tảng kỹ thuật số.
Bài giảng E-learning mang lại những lợi ích và một số hạn chế cho người dùng như:
Lợi ích | Hạn chế |
Đối với người học: E-learning tạo môi trường học tập chủ động. Các nội dung được triển khai hoàn toàn trực tuyến, người học có thể làm chủ được việc học của mình theo tốc độ riêng, được lựa chọn phương pháp học tập phù hợp nhất và nhận được những phản hồi nhanh chóng từ giáo viên về các hoạt động học tập. Bên cạnh đó, người học còn có thể học ở bất kì nơi đâu chỉ cần có kết nối Internet, điều này sẽ làm giảm thiểu được tối đa thời gian của người học, giúp họ có nhiều thời gian để học tập và triển khai các hoạt động cân bằng cuộc sống. Đối với giáo viên: Việc áp dụng bài giảng E-learning cho phép giáo viên có thể tích hợp được nhiều công cụ truyền đạt thông tin như video bài giảng, các cuộc thảo luận trực tuyến… giúp giáo viên có thể nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Đồng thời, E-learning giúp giáo viên có thể theo dõi quá trình học của học sinh một cách dễ dàng. Đối với các đơn vị giáo dục: E-learning giúp giảm tối đa các chi phí như chi phí đầu tư cho phòng học, chi phí sinh hoạt... Bên cạnh đó, các giáo viên ngoài yêu cầu đứng lớp, họ còn phải dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, tham gia hội thảo, tư vấn nghề nghiệp… Do đó, đào tạo trực tuyến giúp Nhà trường giải quyết những khó khăn về thời gian cho giáo viên, đồng thời cho phép giáo viên mang bài giảng của mình đến hàng trăm người học. Đối với xã hội: E-learning giúp giải quyết được những hạn chế của mô hình học truyền thống khi mọi cơ hội học tập đều có thể mở ra với hầu hết mọi người khi mà họ không cần đến lớp, chỉ cần thiết bị có kết nối internet là có thể nghe giảng được. Đối với quốc gia: E-learning giúp nâng cao năng lực nói chung của đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh, giúp nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và giảm thiểu khoảng cách số. | Kỹ năng công nghệ thông tin của cả giáo viên và người học còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất của việc giảng dạy và học tập trực tuyến đó là kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ còn hạn chế của cả giáo viên và người học. Một số giáo viên lớn tuổi hoặc những người học ở vùng sâu vùng xa, ít được tiếp xúc với công nghệ thì việc triển khai trên hệ thống E-learning là một rào cản cực kỳ lớn, gây khó khăn đến việc xây dựng bài giảng và học tập trên hệ thống E-learning. Bất cập về tính bảo mật của hệ thống. Việc nhiều người đăng nhập vào hệ thống cùng lúc sẽ khó kiểm soát và có khả năng sập hệ thống hoặc có nguy cơ bị đánh cắp tài liệu đào tạo nội bộ. Khó khăn trong việc giảng dạy một số nội dung thí nghiệm, thực hành. Với những ưu điểm của việc học trực tuyến đã nêu ở trên thì việc giảng dạy qua hệ thống bài giảng E-learning sẽ không thật sự hiệu quả đối với những nội dung học liên quan đến thí nghiệm, thực hành. Nếu như nội dung học chỉ có những lý thuyết suông thì người học sẽ rất khó để tự mình thực hành các thí nghiệm. Bên cạnh đó, việc giảng dạy qua hệ thống bài giảng E-learning cũng không thể thay thế được các hoạt động liên quan đến ngoại khóa và các hoạt động rèn luyện, hình thành kỹ năng mềm cho người học |
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của bài giảng E-learning
Với những thách thức đã nêu ở trên, thì việc tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của bài giảng E-learning đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển.
1. Nghiên cứu của Ghoreishi và nhóm đồng tác giả (2017)
Theo Ghoreishi và nhóm đồng tác giả (2017), tính đến 2016, có 6 khung phân tích E-learning được đề xuất. Đối sánh các mô hình trên, các tác giả cho thấy khung phân tích tổng quát do Khan (2005) đề xuất là khá rộng và bao gồm nhiều khía cạnh liên quan nhất, từ khía cạnh cá nhân, sư phạm, nội dung đến các khía cạnh kỹ thuật, thiết chế và xã hội. Theo Khan (2005), khung phân tích này là kết quả của quá trình nghiên cứu trong suốt giai đoạn 1997-2005 nhằm trả lời cho câu hỏi “Cần gì để cung cấp một môi trường học linh hoạt cho người học trên toàn cầu?”. Qua quá trình nghiên cứu, tác giả đã xác định được nhiều yếu tố cần thiết để có thể xác lập một môi trường học có ý nghĩa, trong đó giữa các yếu tố lại có mối liên hệ qua lại mật thiết với nhau. Qua quá trình nghiên cứu về khung phân tích E-learning, các chuyên gia đã chỉ ra 8 yếu tố cần thiết để xác lập một môi trường học có ý nghĩa, bao gồm 8 khía cạnh chính như sau: tổ chức (institutional), quản lý (management), kỹ thuật (technological), sư phạm (pedagogical), đạo đức (ethical), giao diện (interface design), hỗ trợ (resource support), và đánh giá (evaluation). Cụ thể như sau:
Tổ chức (Institutional): Tác giả sử dụng thuật ngữ này tập trung vào các khía cạnh quản lý (administrative affairs) và học thuật (academic affairs) và dịch vụ sinh viên (student services). Khía cạnh này của bài giảng E-learning bao gồm các vấn đề về quản lý như khảo sát nhu cầu, quản trị thay đổi, lập và quản lý ngân sách, tiếp thị, chiêu sinh và tuyển sinh, học bổng, hỗ trợ tài chính, …; và một số khía cạnh khác như chất lượng giảng dạy, hỗ trợ giáo viên, tổ chức lớp học, định hướng học tập, phát triển kỹ năng học tập,…Như vậy có thể thấy tổ chức ở đây trên thực tế bao hàm gần như các hoạt động cần thiết và phổ biến của công tác tổ chức và hỗ trợ giảng dạy và học tập của một trường.
Sư phạm (Pedagogical): Khía cạnh này của bài giảng E-learning bao gồm các vấn đề liên quan đến giảng dạy như phân tích nội dung, phân tích người học, mục tiêu và một số phương pháp, chiến lược giảng dạy. Một số phương pháp và tiếp cận có thể được sử dụng như trình bày, thực hành, hướng dẫn,…
Công nghệ (Technological): Như tên gọi, khía cạnh này xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ của môi trường E-learning, bao gồm các kế hoạch về công nghệ, các tiêu chuẩn, … các vấn đề liên quan đến cả thiết bị phần cứng lẫn phần mềm (ví dụ các hệ thống quản lý học tập).
Giao diện (Interface design): Bao gồm các khía cạnh liên quan đến giao diện của chương trình bài giảng E-learning, như thiết kế trang, thiết kế nội dung, cách di chuyển giữa các trang, …
Đánh giá (Evaluation): Bao gồm đánh giá người học, đánh giá việc giảng dạy và đánh giá môi trường học tập.
Quản trị (Management): Bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến duy trì môi trường học tập và phổ biến thông tin.
Hỗ trợ (Resource Support): Bao gồm hỗ trợ trực tuyến như hỗ trợ tư vấn học tập, hỗ trợ kỹ thuật và các hỗ trợ khác.
Đạo đức (Ethical): Khía cạnh này liên quan đến việc xem xét các tác động xã hội - chính trị, tính đa dạng hóa về văn hóa, đa dạng hóa về địa lý, đa dạng hóa của người học, ... và cả các vấn đề liên quan đến pháp lý.
2. Nghiên cứu của Andersson và Grönlund (2009)
Sau Khan (2005), Andersson và Grönlund (2009) đã thực hiện một công trình lược khảo tổng quan về các thách thức trong triển khai E-learning tại các nước phát triển và đang phát triển. Kết quả nhóm các thách thức thành bốn khía cạnh là: Người học, Công nghệ, Khóa học và Bối cảnh. Bên cạnh đó, tác giả phân tích các vấn đề thách thức trong phạm vi các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Kết quả cho thấy ở các nước phát triển, các thách thức được đề cập nhiều nhất liên quan đến khía cạnh Người học (26 trong số 30 công trình nghiên cứu) trong khi đó ít liên quan nhất là về Bối cảnh (2 trong số 30 công trình). Còn lại, vấn đề liên quan đến khóa học được đề cập ở 17 công trình và vấn đề công nghệ có 7 công trình đề cập. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, vấn đề liên quan đến Người học lại ít được chú trọng (6 trong 30 công trình đề cập) trong khi đó Khóa học và Bối cảnh lại được chú ý nhiều và tương đương nhau (được đề cập trong 23 và 21 công trình) kế đó là công nghệ (18 công trình). Như vậy, tầm quan trọng của các vấn đề sẽ có sự thay đổi tùy theo ngữ cảnh vĩ mô của môi trường triển khai E-learning.
Điểm chung có thể xác định là các vấn đề liên quan đến Khóa học nhìn chung có tầm quan trọng ở bất kể môi trường nào. Trong khi đó, việc các yếu tố Công nghệ ít là một thách thức ở các nước phát triển có thể hiểu được do nền tảng công nghệ tại các quốc gia này đã phát triển cao và do đó đã đáp ứng yêu cầu công nghệ của việc triển khai E-learning. Gợi ý khác từ khảo lược này là vai trò của các yếu tố bối cảnh cần phải được xem xét đúng mức trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến E-learning tại Việt Nam, bên cạnh yếu tố công nghệ và khóa học.
3. Nghiên cứu của Ali và nhóm đồng tác giả (2018)
Một công trình khảo lược tổng quan khá chi tiết gần đây về các yếu tố ngăn trở sự thành công của E-learning là công trình của Ali và nhóm đồng tác giả (2018). Các tác giả xem xét 259 công trình có liên quan đến các yếu tố ngăn trở sự thành công của E-learning được công bố trên các tạp chí uy tín trong giai đoạn 1990-2016. Sử dụng kỹ thuật phân tích hỗn hợp, các tác giả xác định được 68 yếu tố có thể gây ngăn trở cho sự thành công của E-learning. Các khía cạnh này được tác giả đề nghị gộp thành ba chiều là Sư phạm, Công nghệ, và Người học. Tuy nhiên, xem xét chi tiết các vấn đề, có thể thấy có thể phân bổ lại các vấn đề này theo khung phân tích do Khan (2005) đề xuất, ví dụ vấn đề Phát triển năng lực giảng viên được xếp vào nhóm Sư phạm trong khi theo Khan (2005) thuộc về khía cạnh Tổ chức; vấn đề Thái độ chấp nhận của xã hội được xếp ở nhóm Người học trong khi đây là vấn đề thuộc về khía cạnh Đạo đức trong khung phân tích 8 nhân tố của Khan (2005). Nhiều yếu tố khác được Khan đề cập có thể tìm thấy trong danh mục các yếu tố do công trình này tổng hợp.
4. Một số nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác
Trong nghiên cứu thực nghiệm, Puri (2012) tiến hành một khảo sát trên 214 người học ở cả hai bậc cử nhân và cao học và xác định 6 trong số các yếu tố do Khan đề xuất có tác động đến sự thành công của E-learning (xếp theo thứ tự quan trọng) là sư phạm, thể chế, công nghệ, đánh giá, hỗ trợ, và giao diện. Musa và Othman (2012) khảo sát 850 sinh viên bậc cử nhân cũng tìm thấy công nghệ là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh ba yếu tố khác là sự tham gia của người học, vai trò của người dạy trong thúc đẩy tương tác, thảo luận, và việc cung cấp tài liệu học tập kịp thời trên hệ thống. Như vậy các công trình thực nghiệm nhìn chung xác nhận các yếu tố do Khan đề xuất, với mức độ quan trọng khác nhau tùy từng bối cảnh, nhưng nổi bật là các yếu tố công nghệ và người học.
Tầm quan trọng của các yếu tố này cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng các phương pháp phân tích khác và dựa trên khuôn khổ khác tương thích với khung phân tích của Khan. Xaymoungkhoun và nhóm đồng tác giả (2012) sử dụng khuôn khổ mô hình chấp nhận công nghệ và phương pháp phân tích thứ bậc AHP trên dữ liệu phỏng vấn thực nghiệm đã chỉ ra tầm quan trọng của yếu tố tổ chức, công nghệ, và sư phạm bên cạnh các yếu tố thuộc về động lực và thái độ của người học trong việc góp phần vào sự thành công của E-learning. Cũng dựa trên mô hình chấp nhận công nghệ, đồng thời có mở rộng để bao gồm yếu tố văn hóa, hỗ trợ và người dạy, Ahmed (2013) xem xét vấn đề ở một góc độ hẹp hơn là sự sẵn sàng tham gia của người dạy trong việc sử dụng E-learning. Sử dụng phương pháp hồi quy bội để phân tích một mẫu điều tra bao gồm 281 quan sát tác giả tìm thấy yếu tố văn hóa có tác động mạnh nhất. Như vậy, vai trò của yếu tố văn hóa có tác động gián tiếp đến sự thành công của E-learning thông qua tác động khuyến khích đến sự tham gia và sử dụng E-learning của người dạy.