Với phương pháp giáo dục trực tuyến ngày càng phổ biến thì việc phát triển bài giảng E-learning là việc nên làm và cần có những chính sách phù hợp. Bài viết dưới đây NukeViet Edu Gate xin chia sẻ đến các bạn chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Mời các bạn cùng tham khảo!
Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới
1. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động giáo dục trực tuyến bằng hệ thống bài giảng E-learning đã được triển khai ở nhiều trường đại học. Giai đoạn từ năm 2013-2018, Việt Nam nằm trong TOP4 thế giới về tốc độ phát triển của E-learning. Hiện có 16 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến hoàn toàn, kết hợp hoặc một phần các môn học. Giáo dục trực tuyến giúp quá trình học tập đơn giản và dễ tiếp cận hơn giúp cho cả giáo viên và học sinh có thể tự chủ động, linh hoạt và tùy biến học tập,…
Trong một báo cáo về giáo dục, chỉ trong năm 2018, người dân Việt Nam đã chi 9 tỷ USD (chiếm gần ½ tổng chi tiêu của gia đình) cho sự nghiệp giáo dục. Theo một khảo sát hơn 30 website E-Learning của Công ty More (www.idgvv.com.vn) cho thấy, hoạt động giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cung cấp chủ yếu 4 nhóm dịch vụ sau: Cung cấp khóa học ngoại ngữ, các chương trình ôn thi/bài giảng kiến thức phổ thông (cấp 2, cấp 3) và khóa học kỹ năng. Do đó, mức độ áp dụng giảng dạy trực tuyến tại các trường đại học chưa là hoạt động chủ yếu. Cũng cho ra kết quả tương tự, khảo sát của Nhóm nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me trong thời gian từ ngày 10-18/3/2016 đối với 500 sinh viên các trường đại học tại Việt Nam cho thấy, các trường đại học đều xây dựng cổng thông tin điện tử để chuyển tải thông tin hoạt động và đều có sử dụng máy tính, máy chiếu trong quá trình giảng dạy. Hầu hết sinh viên đại học đều sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone, laptop hoặc cả hai phương tiện này. Trong đó, có khoảng 40% sinh viên có liên hệ với giáo viên qua mạng xã hội, nhất là qua Facebook. Việc sử dụng sách điện tử với tỷ lệ tăng hơn trước cũng giúp sinh viên giảm thiểu cả về thời gian lẫn chi phí trong quá trình học tập.
2. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ bắt đầu các nỗ lực của mình trong lĩnh vực E-learning từ cuối thế kỷ 20. Năm 2000, Ủy ban Giáo dục Trên nền tảng Web (Web-based Education Commission) của Quốc Hội đã ban hành Báo cáo Sức mạnh của Internet trong học tập: Từ cam kết đến thực tiễn. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách từ phía liên bang tập trung cho giáo dục phổ thông, còn giáo dục đại học phụ thuộc vào chính sách của từng tiểu bang. Các chính sách tiểu bang có sự khác biệt tuy nhiên nhìn chung tập trung vào những nội dung sau: Hỗ trợ hệ thống E-learning mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và kỹ năng giảng dạy, thúc đẩy sự tiếp cận và định hình các chính sách. (Anderson, B. và nhóm đồng tác giả, 2006). Mặc dù vậy, các khoản đầu tư từ ngân sách thường không nhiều nên các trường đại học công lập phải tự tìm cách thích nghi với bối cảnh (Rowell, L., 2018).
Trong khi đó, sự thực dụng hơn của người học, sự phát triển của công nghệ cùng với cạnh tranh giữa các trường đại học, đặc biệt là các đại học tư vì lợi nhuận trong lĩnh vực E-learning khiến các trường đại học phải nhanh chóng “số hóa” nếu muốn tồn tại (Wisbauer, S., 2017). Trong cuộc chạy đua này, các trường đại học Hoa Kỳ tùy theo vị thế và nguồn lực mà có những cách thích ứng khác nhau. Các trường danh tiếng chỉ phát triển các khóa học trực tuyến và kết hợp như một phương thức hỗ trợ cho hoạt động giảng dạy truyền thống. Một số trường công lập hoặc trường tư phi lợi nhuận quy mô vừa và nhỏ nhưng huy động được nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào Elearning có sự tăng trưởng vượt bậc về tuyển sinh trực tuyến năm 2015 như Southern New Hampshire University, Western Governors University, Brigham Young University-Idaho, University of Central Florida, University of Maryland-University College, University of Florida có mức tăng từ 20% đến 400% so với năm 2012 (Allen, 14 I. E., & Seaman, J., 2016). Các trường cao đẳng cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh trực tuyến và phải đối phó với phản ứng tiêu cực đối với học trực tuyến từ cả nhà tuyển dụng lẫn sinh viên trong khi các trường tư vì lợi nhuận cũng suy giảm do chính sách siết chặt của Chính phủ (Public Agenda Foundation, 2013). Mặc dù nhiều mảng sáng tối xen nhau, thị trường E-learning của Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới với riêng doanh thu của mảng E-learning tự học (self-pace) đã hơn 20 tỷ USD, so với tổng thị trường thế giới là 46 tỷ USD (Adkins, S. S., 2016).
3. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Anh
Chiến lược phát triển E-learning của Anh không chỉ nhằm đổi mới nền giáo dục nói chung trong thời đại số, mà còn dành một sự quan tâm đáng kể cho giáo dục đại học. Trong những năm gần đây, Anh giảm sự quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà chú ý nhiều hơn vào đổi mới phương pháp dạy và học trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Các chính sách nhấn mạnh đến mục tiêu lấy người học làm trung tâm và cho phép các trường được chủ động xây dựng chiến lược và phát triển Elearning của mình (Anderson, B. và nhóm đồng tác giả, 2006).
Trong những năm gần đây, Hội đồng Tài trợ Giáo dục đại học Anh quốc (HEFCE) đã định kỳ điều chỉnh các chính sách khuyến khích E-learning năm 2009-2012, 2012-2013. Tuy nhiên, một khảo sát năm 2014 của Hiệp hội đại học châu Âu với 249 trường đại học của 37 quốc gia châu Âu, trong đó có 20 trường của Anh cho thấy các trường này có ý kiến khác nhau về vai trò thúc đẩy E-learning của quốc gia mình. Mặc dù vậy, hầu hết các trường đều đã hoặc đang xây dựng chiến lược E-learning của mình. Khoảng 75% số trường được khảo sát cho biết có hơn 50% sinh viên có đăng ký vào các khóa học trực tuyến. Và một tỷ lệ tương tự cho biết việc áp dụng E-learning trong trường học ở mức độ tập trung của trường hoặc chia sẻ giữa các khoa chứ không phải là nỗ lực cá nhân của các giảng viên (Gaebel, M., Kupriyanova, V., Morais, R., & Colucci, E., 2014).
4. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Phần Lan
Chính sách phát triển E-learning của Phần Lan được đặt trong tổng thể chiến lược Xã hội thông tin của quốc gia từ giữa thập niên 1990. Phần Lan tập trung vào giáo dục người lớn, học tập suốt đời thông qua việc cung cấp một môi trường xã hội thông thoáng cho áp dụng E-learning trong đào tạo ở cấp độ đại học. Quốc gia này tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như năng lực học và làm việc trong môi trường ảo hóa (Anderson, B. và nhóm đồng tác giả, 2006).
Trong những năm gần đây, Phần Lan có nhiều chính sách về E-learning trong Kế hoạch 5 năm 2011-2016 về phát triển giáo dục và nghiên cứu, Chiến lược quốc tế hóa giáo dục Phần Lan 2009-2015. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Hiệp hội đại học châu Âu cho thấy các trường Phần Lan được khảo sát cũng bất đồng về vai trò chính sách Nhà nước đối với E-learning. Chỉ có 50% số trường được khảo sát đã hoặc đang có chiến lược phát triển E-learning của mình. Mặc dù vậy, có đến 80% số trường khảo sát cho biết có hơn 50% sinh viên có đăng ký vào các khóa học trực tuyến. Và một tỷ lệ 60% cho biết việc áp dụng E-learning trong trường họ ở mức độ tập trung của trường hoặc chia sẻ giữa các khoa chứ không phải là nỗ lực cá nhân của các giảng viên (Gaebel, M., Kupriyanova, V., Morais, R., & 15 Colucci, E., 2014).
5. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Úc
Úc khởi động các chính sách về E-learning từ những năm 1990 qua việc ban hành Kế hoạch hành động về giáo dục và đào tạo trong xã hội thông tin với tên gọi Học tập trong xã hội tri thức. Kế hoạch này bao gồm những lĩnh vực: Con người, Hạ tầng công nghệ, Nội dung, ứng dụng và dịch vụ, Khung chính sách và Tổ chức, Khung pháp lý. Trong đó, hai lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là nâng cao năng lực con người và phát triển nội dung, ứng dụng và dịch vụ. (Anderson, B. và nhóm đồng tác giả, 2006). Các trường đại học Úc coi việc gắn kết giữa E-learning với mục tiêu gia tăng cơ hội học tập và nâng chất lượng đầu ra của giáo dục là một chiến lược phát triển quốc gia. Các trường đại học mở và các trường cung cấp chương trình giáo dục từ xa sử dụng E-learning và các chính sách phù hợp để thực hiện chiến lược trên (Bates, T., 1997).
Thị trường E-learning ước tính của Úc năm 2018 có doanh thu ước tính là 5 tỷ đô la (IBS World, 2018). Một trong những điểm nổi bật của E-learning tại Úc là sự hình thành tổ chức liên kết giữa các trường đại học để phát triển E-learning. Open Universities Australia (OUA) là một tổ hợp (consortium) do 7 trường đại học Úc sở hữu, được thành lập năm 1993, cung cấp các khóa học trực tuyến và các chương trình học trực tuyến hoặc kết hợp, được cấp bằng bởi các trường đại học thành viên (website open.edu.au). Năm 2013, OUA đưa vào hoạt động một nền tảng (platform) của riêng mình là Open2study, cung cấp các khóa học MOOC miễn phí và các khóa học được công nhận bởi các trường đại học.
6. Chính sách phát triển bài giảng E-learning tại Hàn Quốc
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục tại Hàn quốc bắt đầu từ năm 1996 với Kế hoạch tổng thể quốc gia I (1996-2000) tập trung vào việc xây dựng hạ tầng công nghệ hàng đầu thế giới cho giáo dục phổ thông. Sau đó, Kế hoạch tổng thể II (2000-2005) nhằm vào việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua cho phép tiếp cận miễn phí tài nguyên học tập và huấn luyện giảng viên (Hwang, D. J., Yang, H. K., & Kim, H., 2010). Năm 2004, Chính phủ Hàn quốc công bố sách trắng Giáo dục Thích ứng trong Kỷ nguyên thông tin 2004 ghi nhận những chính sách quốc gia, các kết quả ban đầu và các định hướng tương lai của E-learning. Tài liệu này đã chỉ ra những lĩnh vực ưu tiên bao gồm:
Tạo lập một xã hội tri thức thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục
Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục phổ thông
Tin học hóa giáo dục đại học, bao gồm cả nghiên cứu khoa học
Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục thường xuyên
Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quản trị giáo dục
Quốc tế hóa và hợp tác quốc tế về E-learning.
Các chính sách cụ thể liên quan đến giáo dục đại học được tiến hành trên cơ sở các định hướng trên bao gồm:
Xây dựng Mạng Giáo dục Hàn quốc, kết nối hơn 360 cơ sở giáo dục bao gồm dịch vụ web phục vụ cho chia sẻ tài nguyên số, cơ sở dữ liệu khoa học…
Thúc đẩy quá trình liên kết giữa các trường đại học bao gồm thành lập các trung tâm hỗ trợ E-learning cho các trường đại học trong hoạt động, chia sẻ tài nguyên và xây dựng một hệ thống quản lý mới được tiêu chuẩn hóa.
Thành lập các trường đại học ảo (cyber university) là các trường đại học mà người học không bị giới hạn bởi không gian và thời gian thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tiếp cận với dịch vụ giáo dục (Anderson, B. và nhóm đồng tác giả, 2006).
Chính phủ Hàn quốc xem E-learning là một thị trường tiềm năng. Các chính sách bao gồm Luật Phát triển Ngành E-learning (2005) và các Kế hoạch phát triển Elearning lần 1 (2006-2010) và lần 2 (2011-2015). Với bốn chính sách lớn: Củng cố hệ sinh thái ngành E-learning, Phát triển nguồn nhân lực, Tăng cường tính hữu dụng và Xây dựng mạng lưới toàn cầu, ngân sách sử dụng ước tính đến năm 2015 là 3,5 tỷ đô la và tạo ra 37.000 việc làm. Thị trường E-learning của Hàn quốc ước tính đạt 2,86 tỷ USD vào năm 2013 (Innovation Center Denmark Seoul, 2014).
Như vậy, NukeViet Edu Gate đã chia sẻ đến bạn những kinh nghiệm của một số quốc gia khá thành công trong lĩnh vực E-learning. Qua bài viết này, hy vọng các bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về bài giảng E-learning, về những kinh nghiệm mà các quốc gia khác đã áp dụng thành công để từ đó có hướng đi mới cho đơn vị mình.