Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy - học góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia và của Bộ GDĐT, một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học số có chất lượng, được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục.
1. Chia nhóm học tập
Nhóm học tập rất cần thiết trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Khi học theo nhóm các em được chia sẻ ý kiến cho nhau, được hỗ trợ giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ nhằm phát triển năng lực và phẩm chất, hoàn thiện bản thân trong quá trình học tập.
Việc chia nhóm phải đảm bảo cho các em học sinh được học tập thuận lợi, chỗ ngồi của nhóm phải dễ trao đổi thảo luận với nhau để cùng nhau học tập xây dựng bài học dưới sự điều khiển của giáo viên. Các em phải được thuận lợi trong việc ghi vở và đọc các tư liệu bài học cũng như thuận lợi khi thực hành thí nghiệm. Nhóm học tập có thể 2 em, 3 em, tốt nhất là 4 em để đảm bảo các em dễ hợp tác với nhau.
Khi chia nhóm, giáo viên cần tránh: Chọn số lượng nhóm quá lớn làm cản trở sự trao đổi và điều khiển của nhóm trưởng cũng như các thành viên trong nhóm, dẫn đến một số em bị bỏ rơi khi thảo luận hoặc không có cơ hội trình bày ý kiến của mình khi thảo luận; lựa chọn học nhóm không phù hợp với phương pháp, kỹ thuật mà giáo viên đưa ra, chẳng hạn như thuyết trình, trình chiếu, vấn đáp, không có thảo luận trong nhóm học sinh.
Giáo viên nên: Chia nhóm một cách tối ưu (nếu được 4 em một nhóm là tốt nhất) sao cho các em có thể trao đổi thảo luận và quán xuyến công việc của nhau trong quá trình học tập. Có thể mỗi bàn học 4 em là 1 nhóm, hoặc ghép bàn tạo các nhóm 4 em…; Vị trí đặt bàn ghế các nhóm phải thuận lợi cho việc đi lại của giáo viên và học sinh, nên để không gian trong lớp mà giáo viên có thể đi lại được xung quanh lớp học; Điều chỉnh những đồ đạc không cần thiết được cất đi nếu gây cản trở khi tổ chức hoạt động nhóm; Luân phiên chỉ định nhóm trưởng và thành viên trong nhóm báo cáo kết quả hoạt động nhóm một cách linh hoạt phù hợp trong các hoạt đông của từng bài học.
2. Hướng dẫn học sinh ghi vở
Vở ghi học sinh là tài liệu quan trọng, hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học tập. Việc ghi vở phải khoa học, rõ ràng, thiết thực trong quá trình học tập trên lớp cũng như ở nhà. Vở ghi giúp học sinh tái hiện lại những kiến thức, kỹ năng và kết quả học tập của mình trong quá trình học tập, giúp cho giáo viên cũng như cha mẹ học sinh biết được trình độ nhận thức cũng như kết quả học tập của các em trong quá trình học ở trường phổ thông. Căn cứ vào vở ghi học sinh, giáo viên biết được việc học hành của các em đồng thời có thể sử dụng để đánh giá quá trình học tập của học sinh, điều chỉnh cách học của học sinh sao cho đạt được hiệu quả mong muốn.
Đối với cấp THCS, trong mỗi hoạt động học, giáo viên cần chú ý hướng dẫn ngay từ đầu năm học đầu cấp, rèn luyện cho các em thói quen ghi vở, các hoạt động ghi chép này hoàn toàn chủ động, sáng tạo của học sinh, tránh trường hợp ghi chép một cách máy móc theo ý áp đặt của giáo viên như chép bảng. màn hình... vào vở mà học sinh không hiểu gì.
Để làm được điều này, ngay từ đầu, trong mỗi hoạt động học giáo viên cần lưu ý cho học sinh ghi chép vở theo những bước sau đây:
- Ghi chép nhiệm vụ của hoạt động mà thầy, cô giáo chuyển giao vào vở. Nhóm trưởng cùng các bạn hỗ trợ, nhắc nhở bạn bên cạnh trong việc ghi nhiệm vụ này vào vở cá nhân.
- Ghi chép ý kiến của cá nhân học sinh vào vở. Giáo viên cần cho học sinh đủ thời gian để các em suy nghĩ độc lập về nhiệm vụ học tập cũng như suy nghĩ cá nhân cách giải quyết vấn đề theo ý kiến chủ quan và trình độ của học sinh. Mỗi thành viên đều phải có ý kiến ghi vở. Học sinh có thể nhiều ý kiến hoặc ít ý kiến, nhưng bắt buộc mỗi thành viên phải có tối thiểu một ý kiến ghi vở (dù ý kiến đó là đúng hay sai) thì sau đó nhóm trưởng mới được quyền cho các bạn thảo luận nhóm.
- Ghi chép ý kiến thảo luận của nhóm vào vở. Mỗi em sẽ ghi vào vở các ý kiến đã thảo luận của nhóm về nhiệm vụ được giao. Nên yêu cầu học sinh ghi ý kiến của 3 bạn trong nhóm vào vở, từ đó phân tích so sánh các ý kiến để đưa ra ý kiến chung của nhóm trong việc giải quyết nhiệm vụ được giao.
- Ghi chép ý kiến trình bày báo cáo kết quả của nhóm vào vở. Thảo luận và chọn phương án báo cáo. Ví dụ khi báo cáo dùng giấy A0, giấy A4 và đèn chiếu, các slide hỗ trợ hay chỉ báo cáo miệng...
Khi cần báo cáo hoạt động của nhóm, giáo viên nên chỉ định một học sinh (một em nào đó, nhất là các em chưa tự tin) để báo cáo. Trong quá trình hoạt động nhóm, giáo viên nên tránh: Nói to trước lớp, trình chiếu, hoặc giảng giải vấn đề... làm mất tập trung hoạt động của nhóm; Nói chung chung và đi lại quá nhiều trong lớp học không rõ mục đích...
Giáo viên cần: Chọn vị trí đứng, quan sát hoạt động của các nhóm và từng em, phát hiện kịp thời khi học sinh giơ tay cần hỗ trợ hoặc thông báo; Bỏ thói quen “gà bài” cho học sinh, khẳng định chân lý, chốt kiến thức cho các nhóm khi các em đang hoạt động nhóm, chưa báo cáo nhóm...
1. Ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy môn hoá học THCS
Phương pháp thí nghiệm hoá học:
Sử dụng thí nghiệm để dạy học tích cực là phương pháp đặc thù của các môn khoa học thực nghiệm trong đó nhất là môn hoá học. Trong trường THCS sử dụng thí nghiệm để dạy học tích cực được thực hiện theo những cách sau:
- Thí nghiệm để nêu vấn đề hoặc làm xuất hiện vấn đề.
- Thí nghiệm để giải quyết vấn đề đặt ra: thí nghiệm nghiên cứu, thí nghiệm kiểm tra giả thuyết hay dự đoán.
- Thí nghiệm chứng minh cho vấn dề đã được khẳng định.
- Thí nghiệm thực hành: củng cố lí thuyết, rèn kĩ năng thực hành.
- Thí nghiệm trong bài tập thực nghiệm.
Phương pháp dạy học sử dụng thí nghiệm được sử dụng trong phần lớn các bài trong chương trình hoá học THCS.
Phương pháp nghiên cứu:
Đây là phương pháp thường được dùng đi kèm với phương pháp thí nghiệm thì sẽ có hiệu quả cao, phương pháp này được các giáo viên áp dụng tương đối phổ biến trong các bài dạy.
Phương pháp này dựa trên 2 điều kiện sau:
- Trên cơ sở nghiên cứu các đối tượng khác nhau học sinh có thể độc lập ở một mức độ đáng kể khám phá ra sự kiện khoa học mà em chưa biết
- Trên cơ sở các sự kiện đã biết học sinh có thể độc lập ở mức độ đáng kể tiến hành khái quát hoá khoa học mà em chưa biết.
Phương pháp này được áp dụng trong các bài mang tính nghiên cứu tài liệu mới (Tính chất hoá học của chất, định luật hoá học …)
Dạy học dựa trên tìm tòi, khám phá khoa học (dạy học khám phá)
Dạy học dựa trên tìm tòi, khám phá khoa học (viết ngắn gọn là dạy học khám phá) là phương pháp dạy học cung cấp cho HS cơ hội để trải nghiệm các hiện tượng và quá trình khoa học. Nó tạo điều kiện cho HS bộc lộ những quan niệm sai lầm vốn có của họ, khuyến khích họ trao đổi, thảo luận với nhau để đề xuất các giả thuyết, thu thập thông tin, tìm kiếm bằng chứng, xây dựng các kế hoạch hành động nhằm kiểm chứng các giả thuyết ban đầu, từ đó tìm ra các kết luận mang tính khoa học. Thông qua các hoạt động đó, HS có thể tự điều chỉnh và thay đổi các quan niệm trước đó của mình để tiếp nhận kiến thức mới; đồng thời, HS cũng có cơ hội để phát triển tư duy phê phán, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề và rất nhiều các kĩ năng khác cần thiết cho một cuộc sống độc lập sau này.
Dạy học khám phá có một số đặc trưng sau đây:
HS được thu hút bởi các câu hỏi định hướng khoa học.
Trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học thường đặt ra hai loại câu hỏi chủ yếu. Loại câu hỏi thứ nhất hỏi về những điều tồn tại sẵn thường được mở đầu bằng từ “tại sao”. Loại câu hỏi thứ hai hỏi về cách thức hình thành những điều đó, thường sử dụng từ “như thế nào”? Các câu hỏi loại hai thường dễ tìm được câu trả lời hơn các câu hỏi loại một.
Trong DHKP, GV đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho HS tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi như vậy. Đôi khi, để đơn giản và phù hợp với mức độ nhận thức của HS, GV cũng có thể chuyển từ một câu hỏi “tại sao” thành một câu hỏi “như thế nào”.
HS tiến hành tìm kiếm, thu thập các bằng chứng và sử dụng chúng để xây dựng và đánh giá các cách giải thích cho câu hỏi định hướng khoa học đã được đặt ra ban đầu.
Các nhà khoa học thu thập các bằng chứng như những dữ liệu khoa học bằng cách ghi lại những quan sát và thực hiện các đo lường. Các dữ liệu chính xác có thể được kiểm tra bằng cách lặp lại các quan sát hoặc thực hiện các đo lường mới. Trong lớp học, HS sử dụng các dữ liệu này để tạo thành các giải thích cho các hiện tượng khoa học. Các cách giải thích khoa học cần phải phù hợp với các bằng chứng đang có và mang đến cho HS những hiểu biết mới.
HS công bố kết quả, kiểm chứng và đánh giá cách giải thích của họ bằng cách đối chiếu nó với cách giải thích của bạn bè và với các kiến thức khoa học.
Khám phá khoa học khác với các dạng khám phá khác ở chỗ các giải thích được đề xuất có thể được xem xét lại, thậm chí có thể bị loại bỏ dưới ánh sáng của những phát hiện mới. Các nhà khoa học cần phải công bố nghiên cứu của mình một cách trung thực và chi tiết đủ để những nhà khoa học khác có thể tái tạo lại các nghiên cứu đó nếu cần thiết.
Tương tự như vậy, HS sẽ thu được nhiều lợi ích khi họ chia sẻ và so sánh kết quả của mình với các bạn trong lớp, thông qua đó, tạo cơ hội cho họ đặt ra các câu hỏi, kiểm tra các bằng chứng, xác định các lập luận sai lầm, xem xét các giải pháp thay thế. Họ cũng có thể nhận thức được kết quả của họ có quan hệ với các kiến thức khoa học hiện tại như thế nào.
DHKP không phải là một chuỗi các hoạt động theo quy trình cứng nhắc mà có thể được thay đổi và sử dụng linh hoạt phụ thuộc vào mức độ nhận thức và năng lực của HS. Trong bài học này, có thể thấy đầy đủ các đặc trưng của DHKP; nhưng trong bài học khác, chỉ một vài đặc trưng được thể hiện rõ.