GIÁO DỤC STEM – GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC HỌC SINH
ThS. Lê Văn Lực – Trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP. Bắc Giang
Ngày 04/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn…”.
GIÁO DỤC STEM – GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC HỌC SINH
ThS. Lê Văn Lực – Trường THPT Ngô Sĩ Liên, TP. Bắc Giang
Ngày 04/11/2013 tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn…”.
Trong 7 năm qua, ngành giáo dục cả nước nói chung, giáo dục và đào tạo Bắc Giang nói riêng đã và đang tích cực chuẩn bị cả về con người, vật chất, phương pháp, kỹ thuật dạy học nhằm thực hiện thành công đổi mới giáo dục và đào tạo. Một trong những hoạt động nổi bật của ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang nhằm chuẩn bị tốt điều kiện cho đổi mới giáo dục và đào tạo là đổi mới hình thức giáo dục. Trong đó, giáo dục STEM là một hướng đi quan trọng.
Giáo dục STEM là gì?
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn. STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Dạy học STEM là cách thức tổ chức chương trình giảng dạy thực tế có sự tích hợp của khoa học công nghệ, kĩ thuật và toán học. Một số môn khoa học gắn với dạy học STEM gồm: Toán học, Công nghệ, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Bài học STEM là bài học được soạn theo chủ đề theo chủ tích hợp nội môn hoặc liên môn để gắn liền với thực tế.
Các hình thức chủ yếu trong giáo dục STEM.
Dạy học một số môn khoa học theo bài học STEM
Tổ chức hoạt động dạy học: tổ chức hoạt động dạy học được thiết kế theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực với từng hoạt động cụ thể. Mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục đích, nội dung và sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành. Các hoạt động học đó có thể được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học đảm bảo mục tiêu dạy học của phần nội dung kiến thức trong chương trình. Cách thức tổ chức hoạt động dạy học thường chia thành 5 hoạt động, bao gồm: xác định vấn đề; nghiên cứu kiến thức nền và đề xuất giải pháp; lựa chọn giải pháp; chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá; chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM
Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM: được tổ chức thông qua hình thức câu lạc bộ, ngày hội hoặc các hình thức trải nghiệm thực tế; được tổ chức thực hiện theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của học sinh một cách tự nguyện. Nhà trường có thể tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong nhà trường; giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thực tiễn đời sống.
Đề tài/dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật
Tổ chức hoạt động: dựa trên tình hình thực tiễn, có thể định kì tổ chức ngày hội STEM hoặc cuộc thi khoa học kĩ thuật tại đơn vị, đồng thời lựa chọn các đề tài/dự án nghiên cứu gửi tham gia Cuộc thi khoa học, kĩ thuật cấp trên.
Tại sao giáo dục STEM giúp phát triển năng lực học sinh?
Bản chất cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là đem lại những giá trị cho học sinh như phát triển năng lực, phẩm chất… Cạnh đó, với những yêu cầu về dạy học tích hợp, đổi mới phương pháp trong chương trình GDPT, vai trò của giáo dục STEM cực kỳ quan trọng. Bản chất của các môn khoa học được xuất phát từ thực tiễn. Vì vậy, giáo dục STEM chính là cách thức để giúp học sinh hiểu đúng bản chất, sử dụng kiến thức khoa học để giải quyết các tình huống do chính thực tiễn đặt ra. Thông qua giáo dục STEM, học sinh được học từ sai lầm thông qua thử nghiệm. Chính điều đó sẽ giúp hình thành và phát triển các năng lực cần thiết ở học sinh.
Làm thế nào để các nhà trường thực hiện tốt giáo dục STEM?
Trong chương trình GDPT mới, vai trò của STEM là rất lớn. Không những là một hình thức đổi mới phương pháp dạy học mà đặc biệt hướng đến không gian hoạt động giáo dục để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhiệm vụ chính và đúng nghĩa của giáo dục STEM thuộc về các bộ môn khoa học tự nhiên như Toán học, Công nghệ, Tin học… Tuy nhiên, các bộ môn khoa học xã hội vẫn có thể sử dụng tinh thần của giáo dục STEM. Đó là các tinh thần: Dạy học gắn với thực tiễn khoa học xã hội; tinh thần liên môn các bộ môn khoa học xã hội với nhau; tinh thần hướng đến phát triển năng lực trong chương trình mới và định hướng nghề nghiệp.
Giáo dục STEM không phải là thay thế các hoạt động dạy học bình thường mà một năm học hoặc từng học kỳ chỉ làm một hoặc hai chủ đề STEM trong một lớp.Tức là có nhiều mức độ tiếp cận STEM tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên của từng trường, miễn là việc dạy đó đem lại những giá trị cho học sinh: phát triển năng lực phẩm chất; trang bị cho học sinh kiến thức kỹ năng song song với cách vận dụng những kiến thức đó. Giáo dục STEM nói chung và dạy học STEM nói riêng không phải là để học sinh trở thành những nhà khoa học mà là xây dựng cho học sinh có kỹ năng cần thiết, để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại, trong tương lai. Có người coi dạy STEM là phải dạy lập trình hay lắp ráp robot; hay tiếp cận công nghiệp 4.0 là phải dạy STEM - đó chỉ là cách hiểu một chiều, quá đề cao STEM. Thậm chí, có đơn vị dành nhiều tiền để mua sắm công cụ học tập, thiết bị công nghệ, tin học, điện tử để phục vụ cho học STEM. Đó chưa phải là vấn đề quyết định đến việc giáo dục STEM. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có của mỗi trường để sáng tạo công cụ dạy học STEM. Dạy học STEM chỉ là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của giáo dục trải nghiệm. Không thể coi STEM là tất cả mà bỏ qua các phương pháp dạy học hiệu quả cũ. Hay coi nhẹ dạy các môn học xã hội, nhân văn hoặc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Để Giáo dục STEM có hiệu quả, trước hết, các nhà trường cần xây dựng được chương trình STEM và nội dung dạy học STEM. Ngoài ra, việc đưa STEM vào chương trình giáo dục phổ thông cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và là câu chuyện dài. Chúng ta phải thay đổi, xây dựng lại quy định thi cử, đánh giá chất lượng cho phù hợp; đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy STEM.
Tóm lại, giáo dục STEM là một xu thế tất yếu. Đặc biệt trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang triển khai. Mục tiêu của đổi mới giáo dục đặt ra là hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Việc triển khai giáo dục STEM là rất cần thiết đối với mỗi nhà trường. Để triển khai hiệu quả rất cần việc hiểu rõ về STEM và sự quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực hiện tại mỗi nhà trường.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ TRẢI NGHIỆM STEM SỐ 1
TẠI TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN