Chuyển đổi số trong quản lý là số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ các cấp lãnh đạo, quản lý ra quyết định trong lãnh đạo, điều hành.
Để phát triển giáo dục số, các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy đang được triển khai tại nhiều tỉnh - thành, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu đáng kể. Cục CNTT cho biết ngành đã xây dựng được hệ thống CSDL của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu HS và 1,5 triệu GV và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong thời gian sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cuộc thi toàn quốc về xây dựng các bài giảng điện tử để xây dựng kho học liệu số dùng chung. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với Bộ GD-ĐT và các đối tác tài trợ đang xây dựng một nền tảng kho học liệu số trực tuyến. Hệ thống này sẽ thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung, cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy góp phần triển khai ứng dụng CNTT đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt phục vụ dạy học trực tuyến. Hệ thống cũng cho phép cộng đồng tham gia biên soạn, đóng góp học liệu số lên kho dùng chung. Với những bài giảng e-learning sinh động, HS ở những khu vực khó khăn có thể được học những bài giảng của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền.
Đến nay, dự án này đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do GV xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình và hệ thống ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến.
Không còn đơn thuần gắn với bảng đen, phấn trắng, khi áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên có thể ứng dụng triệt để những phần mềm hiện đại nhằm dạy-học trực tuyến. Nhờ đó, một môi trường học tập vừa đảm bảo lượng kiến thức truyền tải, vừa cho phép người dạy-người học chủ động, tự do trong việc lựa chọn địa điểm, thời gian tiếp nhận kiến thức cũng dần được hình thành.
Ứng dụng công nghệ vào đào tạo, quyết tâm triển khai và lan rộng hình thức chuyển đổi số trong giáo dục, phương pháp này đã tạo điều kiện cho cả giáo viên và học sinh tăng cường khả năng tự học, xóa bỏ mọi giới hạn, khoảng cách về không gian, thời gian. Đã qua lâu rồi khoảng thời gian phải đi du học mới được học với người nước ngoài, phải trực tiếp đến từng lớp học thêm để dung nạp kiến thức. Mọi thứ giờ đây đều có thể thực hiện được qua các nền tảng số, qua các thiết bị điện tử thông dụng như smartphone, iPad hay laptop.
Mô hình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đã xuất hiện và được áp dụng khá tích cực trong quy trình dạy – học nói chung trên toàn thế giới từ lâu.
Không ngoại lệ, Việt Nam cũng từng bước đưa phương pháp này đến gần hơn với phần đa công chúng dù còn nhiều khó khăn, thách thức. Những con số đặc biệt: 82% các trường học phổ thông đã áp dụng phần mềm quản lý trường học, 63 cơ sở giáo dục đào tạo và khoảng 53.000 cơ sở giáo dục tiến hành đưa cơ sở dữ liệu chung vào khai thác, quản lý đã chứng minh tốc độ ổn định, dần dần lan rộng chuyển đổi số trong giáo dục đến mọi ngõ ngách của nước ta.
Không chỉ dừng lại ở các thành phố lớn, hiện đại, chuyển đổi số trong giáo dục thời kỳ dịch bệnh cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại các vùng nông thôn, các tỉnh thành trên khắp mọi miền đất nước. Chỉ cần một thiết bị điện tử, một hệ thống mạng Internet ổn định là học sinh, sinh viên đã có thể kết nối với giáo viên, giảng viên của mình dù không thể trực tiếp đến trường.
Bởi vậy, không quá khó hiểu khi 5000 bài giảng điện tử, 31000 câu hỏi trắc nghiệm và khoảng 7000 bài luận văn đã xuất hiện trên mạng Internet, ghi dấu thời đại dần lên ngôi của chuyển đổi số, số hóa trong lĩnh vực này.
Tùy thuộc vào cơ cấu và quy mô của tổ chức giáo dục mà những phương pháp ứng dụng công nghệ vào dạy và học cũng có sự khác biệt, nhưng nhìn tổng thể sẽ có các lớp học trực tuyến E-Learning, các dự án, ứng dụng thực tế ảo, các lớp học về STEAM, STEM, lập trình hoặc ứng dụng mạnh công nghệ vào công tác quản lý.
Song song với đó, Tin học cũng sẽ là môn học bắt buộc đối với các học sinh từ lớp 3 trở lên và các cơ sở dạy học sẽ tự mình kết nối, triển khai hợp tác với những nhà cung cấp chuyên nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến đạt chuẩn đầu ra, không tạo nên sự cách biệt quá lớn giữa phương pháp dạy – học online và offline.
– Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy – học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học) ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa các địa phương, nhà trường; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
– Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên; phát triển các khóa học trực tuyến mở, hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn.
– Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Cuối cùng, ngành GDĐT đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số Quốc gia nói chung. Theo đó, ngành GDĐT cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể gồm: (1) Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực Việt Nam (HCI) theo phương pháp đánh giá chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc; (2) Lồng ghép nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đưa vào giảng dạy trong nhà trường một cách phù hợp; (3) Thực hiện phổ cập tin học (như phổ cập xóa mù chữ), triển khai dạy tin học cơ bản, làm quen với tin học cho học sinh ở tất cả các cấp học, ngay từ khi đến trường, bổ túc kiến thức cho người dân, toàn xã hội, đặc biệt qua các trung tâm giáo dục cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên; (4) Tăng cường đào tạo nhân lực CNTT chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số ở các ngành nghề khác nhau, lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực CNTT.